Chào Mừng


Hân Hoan Chào Mừng Quí Khách.

Lê Du Miên

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

dấu yêu đầu



sớm thức dậy thấy thơ vàng giăng lối
người văn khoa chợt bước nhẹ gót hài
anh ngủ mê trong cơn say bối rối
nghe em lời tâm sự buổi ban mai

lục thập, ngỡ đã gìa nhưng không phải
tuổi thơ còn xanh mướt với khung trời
em vẽ lại những tiếng cười khoan khoái
dậy lòng ta mười sáu, tuổi xuân tươi

tuổi theo em đến trường con phố nhỏ
một chiều nào có mưa bụi bay bay
em thờ ơ chẳng nghe lời anh ngỏ
để anh về hôm đó mắt cay cay

vào lớp học anh ngồi buồn một xó
thày giảng bài, kệ, anh chỉ ngó em
em chăm chú, rồi em ghi, em chép
đâu hay rằng anh thấy giận em thêm…

tuổi theo em, hè về, chùm hoa phượng
sợ chia ly nên… lưu bút ngày xanh
anh viết “NHỚ…” ở trang đầu to tướng
chữ “YÊU” thì anh sợ …lại dấu quanh

và cứ thế anh theo em mỗi sáng
một lời thôi sao khó nói vô cùng
bây giờ thì …bóng chiều về chập choạng
nói hay không …sao vẫn cứ ngập ngừng

buổi sáng mai bên vườn hoa nhà đó
em chợt thương …sương đọng hạt mong manh
anh vẫn thế là mặt trời cháy đỏ
dấu yêu đầu như hạt nắng long lanh

lê du miên

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

"Huy mắt nhung" trên căn cứ hoả lực 6

(viết tặng Lê Huy TĐ222/PB)

Chiến trường Tây nguyên là một trong những chiến trường sôi động nhất nước và khốc liệt nhất nước với những trận đánh đẫm máu đã đi vào trang sử hào hùng cuả Quân lực VNCH như những trận đánh Pleime, Đức cơ, Dakto, Tân cảnh…và căn cứ 5, căn cứ 6.

Người ta đồn rằng tướng Ngô Du, Tư lệnh Quân đoàn 2, và tướng Hoàng Minh Thảo tư lệnh Mặt tân B3 đã hẹn nhau mỗi năm một lần so găng quyết liệt, chả biết chuyện truyền khẩu nhân gian này đúng sai ra sao, nhưng ngẫm nghĩ …thấy cũng có lý, và cuộc tỉ thí võ công của năm 71 là vào khoảng trung tuần tháng 3 kéo dài tới cuối tháng 4. Đó là trận chiến căn cứ 6 hay còn gọi là đồi 1001. Cứ nhắc đến cái địa danh “tên vẫn chưa quen người dân thị thành” này tôi lại nhớ đến “Huy mắt nhung”. Anh chàng Trung uý Pháo binh đẹp trai, hào bông , phong gío…rất nghệ sĩ. Hai chúng tôi cùng chung đơn vị TĐ/ 222 PB “.Huy mắt nhung” đờn rất hay…Huy có thể xử dụng được nhiều thứ đờn …kể cả …”đờn tì…bà”, nhưng ngón đờn sở trường của Huy là …guitar classic. Ngồi nghe Huy độc tấu bài “Bao giờ biết tương tư” phải nói là người nghe cứ đê mê đến nỗi rụng rời cả chân tay. Huy có đôi mắt tròn to . Với vóc dáng trông thư sinh nhưng Huy rất gan dạ, chiến đấu kiên cường qua nhiều trận đánh từ các tỉnh duyên hải miền trung như Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Mỹ cho tới vùng tam biên núi rừng trùng điệp : Pleiku, Kontum, Đức cơ, Tân cảnh…Những địa danh ngút ngàn lửa đạn ấy đã từng ghi dấu chân Huy. Hôm nay những ngày của tháng tư đen lại vòng quanh trở về với những người lính năm xưa , người ta nói và viết nhiều về những kỷ niệm của trận đánh cuối cùng…Còn tôi, tôi muốn nhắc với “Huy mắt nhung” về một trận đánh ở thời điểm tháng tư năm 71. Đó là trận đánh trên căn cứ hoả lực số 6 .

Căn cứ hoả lực 6 nằm về phía Tây Bắc Kontum với cao độ 1001 mét. Cộng quân đã xử dụng hai trung đoàn chủ lực, một trung đoàn Pháo, một trung đoàn đặc công bao vây và muốn dứt điểm căn cứ này, vì đó là cái gai trong mắt chúng, chặn ngay chính giữa con ngươi của chúng đang nhắm về Dakto Tân Cảnh và thị xã Kontum. Nhất là những con gà cồ của Pháo binh ta trên ngọn đồi này đã làm tê liệt những vị trí pháo của chúng trên những sườn đồi chiến lược . Bên ta trú đóng tại cao điểm này là một Pháo đội 105 ly và một tiểu đoàn trừ của trung đoàn 42 BB. thuộc đặc khu Tân Cảnh.

Ngày N…, Hàng ngàn quả pháo đủ loại từ hoả tiễn 122ly, cối 82ly , cối 120 ly và cả đại bác 130 ly với tầm bắn xa trên 20 km, đã được bọn VC rót vào căn cứ. Sau đợt pháo kich dữ dội chúng xua trung đoàn đặc công ào ạt tấn công vào căn cứ. những chiến sĩ phòng thủ căn cứ chống trả mãnh liệt. Những pháo thủ sư đoàn 22 đã phải dùng đến tác xạ chống biển người, nòng súng đại bác hạ thấp xuống bắn trực xạ bằng loại đạn đặc biệt, điều chỉnh thời nổ cho nổ ngay trên hàng rào phòng thủ. Bọn đặc công như những con thiêu thân, không biết sợ lửa, cứ lao lên hết đám này tới đám khác. Chúng đã bị hoả lực pháo chống biển người hạ từng loạt. Nhìn từ lỗ châu mai hầm tác xạ, dưới ánh đèn của những trái hoả châu, người ta thấy nhiều xác chết nằm vắt trên hàng rào, thân trơ trụi một chiếc quần xà lỏn, giữa trời đêm cao nguyên, sương mù và se lạnh. Những cuộc đời sanh Bắc tử Nam hẩm hiu giữa cảnh núi rừng bạt ngàn muỗi vắt.

Mặc dù bị thiệt hại rất nhiều về quân số nhưng bọn VC vẫn dốc toàn lực đẩy thêm trung đoàn chủ lực số 66 vào trận địa, quyết tâm san bằng căn cứ , cắt cổ những con gà cồ gáy ra lửa của PB SĐ22 trên mặt trận tam biên. Với lực lượng một chọi mười toán Kinh Kha cố thủ đồi 1001 dần dần yếu thế với ba, bốn ngày ăn đạn pháo kích và nhiều đợt tấn công biển người kinh hồn của những tên bộ đội đã được chích thuốc kích thích cảm tử từ trước. Những tên bộ đội tù binh nói rằng :
“đằng lào cũng chết…, nui… thì bị nhóm chỉ huy xử bắn… thà tiến nên, lếu chết gia đình còn được hưởng chế đô gia đình niệt sĩ”.
Và chúng cứ tiến lên như những tấm bia thịt …Căn cứ 6 phải cầu cứu xin tiếp viện…

Bộ tư lệnh tiền phương SĐ 22 phải điều động thêm Trung Đoàn 41 đang trú đóng tại Trà Quang, Phù Mỹ Bình Định , di chuyển cấp tốc vào trận. Đoàn xe cargo GMC nối đuôi nhau chở những chàng trai ưu tú của đơn vị “Hắc tam sơn, Bạch nhị hà” lên đường với những cánh tay vẫy đưa của thân nhân. Những tiếng reo hò, những tiếng hát hùng tráng vang lên suốt con đường 19 rồi vang mãi trên con đường 14 cho tới bên cầu Dakbla, chiếc cầu vài nhịp nối hai bờ của dòng sông thơ mộng nơi núi rừng Tây nguyên. Trong những tiếng reo hò đó trên một chiếc Jeep, tiếng đàn của” Huy mắt nhun”g được đệm theo với nhịp hành quân rạo rực hào hùng . Huy được tiểu đoàn Pháo 222 cử đi DLO cho tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn cự phách nhất của Trung đoàn 41 dưới quyền chi huy của Thiếu Tá Võ Ân TĐT. Vị TĐT nổi tiếng sát cộng của SĐ với nhiều chiến công hiển hách.

Ngày N+1…”Quảng đen” theo hai đại đội của Chiến Đoàn 2/41 được trực thăng vận nhảy xuống ngọn đồi 1001 tăng cường cho lực lượng ít ỏi đang bị bao vây và bị tấn công dữ dội. Sau những loạt đạn pháo của ta bắn dọn chung quanh cứ điểm và những con chuồn chuồn võ trang cobra khạc những lằn đạn và phóng từng trái rocket rất chính xác quanh sườn đồi. Từng chiếc trực thăng được diều khiển bởi những phi công hào hoa của Phi đoàn 229 Lac Long, bay là là ngọn cây, luồn lách để tránh phòng không địch, đáp xuống thả quân vội vàng, rồi cũng cất cánh bay lên vội vàng. Mặt khác” Huy mắt nhung” cùng với Phượng Hoàng Võ Ân triển khai mũi xung kích từ chân đồi phía Nam quyết tâm chọc thủng vòng vây của địch để mong bắt tay với quân bạn trên đỉnh đồi . Nhưng sau đó VC đã phát hiện ta dùng trực thăng vận nên chúng đã tập trung hoả lực pháo, pháo dồn dập vào căn cứ, một chiếc UH-1 đã trúng đạn, nằm chổng kềnh dưới chân cột cờ và những chiếc trực thăng sau đó đã không thể tiếp tục. Chiến đoàn 2/41 đổ quân chưa xong đã gặp những trận pháo kích như mưa, rồi VC hô xung phong, chúng ào lên. “Quảng đen” gọi "Huy măt nhung" phối hợp yểm trợ.Cánh quân của Huy cũng chạm địch và cũng đang bị ăn pháo.” Huy mắt nhung” kéo thằng em mang máy truyền tin PRC 25 lăn ngay xuống một hốc đá. Bình tĩnh Huy mở bản đồ ra xác định vị trí và bắt đầu gọi về trung tâm hành quân Chiến Đoàn xin yểm trợ:

- Hướng Dương, “Loan mắt nhung” gọi.

“Loan mắt nhung” là đặc danh truyền tin của Huy, vì “Loan” là tên người nữ giáo sinh sư phạm Qui Nhơn thường xuyên xuất hiện trong những giấc mơ của Huy. Và nghe mang máng chút hào sảng như nhân vật anh chị của nhà văn Nguyễn Thuỵ Long, tác phẩm mà hồi còn đi học anh rất thích.

- “Loan mắt nhung”, Đây Hướng Dương.
- Cho những con gà chiến gáy vào toạ độ X…Y… Gáy tối đa. Những con thiêu thân đang lao lên, chúng không còn muốn sống.
- OK, nhận rõ.

Chỉ vài phút sau hàng trăm quả pháo đã nổ dòn…ầm…ầm … chung quanh căn cứ. Những mảng đất tung lên, những thân cây gẫy gục. Những cụm khói bốc lên. Những tiếng nổ của pháo ta đã làm tinh thần các chiến sĩ CĐ 2/41 phấn chấn. Những tràng súng đại liên M60, tiếng súng M16 nổ dòn ngoài phòng tuyến. Bọn sanh Bắc tử Nam đã im tiếng. Chúng bị đẩy dạt trở lại. Chúng tạm rút lui vào nơi trú ẩn sau một đợt thất bại.
Phượng Hoàng Ân sau một ngày đêm đã bắt tay được với “đứa con” ở ngọn đồi nhưng vòng vây của địch cũng lần nữa khép lại. Một anh lính BB chạy nhanh tới nơi Huy đang trú “Phượng Hoàng nói Thiếu uý lại gặp Phượng Hoàng”. Huy quơ chiếc nón sắt đội lên đầu nhảy ra khỏi hầm trú ẩn, chạy bay lại hầm chỉ huy, một viên đạn AK bay tới , Huy nghe “chíí….u…”, chiếc nón sắt trên đầu Huy xoay vòng , đẩy Huy té xuống đất. Nhanh như cắt Huy lăn mấy vòng , trườn người lọt xuống hầm chỉ huy.

- Có sao không ? Tiếng Phượng Hoàng Võ Ân hỏi dồn dập.
- Không sao Phượng Hoàng . Chúng gãi ngứa dùm thôi.
- Giỏi lắm. Toa giỏi lắm. Những loạt đạn Pháo toa bắn vừa rồi thiệt tuyệt. Tuyệt cú mèo. Rồi Phượng Hoàng Ân cười ha hả. Nụ cười cứ méo méo như thường ngày trên khuôn mặt xương xương khắc khổ. Vị sĩ quan ban 3 TĐ ôm chầm lấy Huy vui sướng.
- Cám ơn Phượng Hoàng …

Bây giờ Huy mới coi lại cái nón sắt. Miếng vải bọc cái nón sắt bị rách tung, viên đạn cày một đường dài trên thành nón. Huy nhủ thầm “hú vía, cám ơn Ông bà phù trợ”. Thật ra khi kêu bắn loạt đạn đầu tiên yểm trợ là vì trong lúc khẩn cấp chứ đúng ra , người DLO không được tự ý muốn bắn sao thì bắn mà phải tuỳ theo yêu cầu của vị chỉ huy chiến trường , nhưng lúc đó Huy không có ở gần Phượng Hoàng nên anh đã làm liều. Cái liều rất đúng lúc, đã kịp ngăn chận một đợt tiền pháo hậu xung của địch khi đơn vị vừa nhảy vào vùng. Lợi dụng lúc tạm yên Phượng Hoàng cho dọn dẹp, củng cố lại những hầm hố chiến đấu. Huy cùng với hai thằng em cũng sửa sang lại” túp lều lý tưởng” của ba thày trò.

- Ông thày, ăn một chút lấy sức đi ông thày. Thằng em đưa cho Huy một ca mì gói quân tiếp vụ

Thấy ca mì bốc khói thơm phức, Huy mới chợt nhớ ra từ sáng tới giờ chưa có gì vào bụng. Huy cầm ca mì ăn từng miếng để thưởng thức cái ngọt ngào của món cao lương chiến trường. Ăn xong gói mì Huy thấy tỉnh cả người. Lệnh Phượng Hoàng “tất cả chuẩn bị ...chào đón khách lạ. Đêm nay đàn vịt muốn tràn ngập cánh đồng.. Đừng để một con nào chạy thoát. Bắt chúng làm tiết canh …”.

Đúng như dự báo của Phượng Hoàng, trời mới vừa chập choạng tối là những đợt pháo của VC từ khắp nơi lại rớt xuống căn cứ, những tiếng hú của tầm đạn xé màn đêm nghe rợn người. Phải công nhận tiếng hú của đạn VC xử dụng nghe trấn áp tinh thần hơn của phe ta. Tiếng nổ của AK47 cũng vậy, nghe chát chúa lắm. Sau khoảng nửa tiếng pháo kích. Mạn sườn phía Tây những tràng AK nổ dòn, những tiếng “bụp…ầm…” của B40, những tiếng lựu đạn chày nổ chấn động một góc rừng hoà lẫn tiếng hô” hàng sống chống chết”, những” con vị”t tràn lên, chúng đạp cả lên nhau.” Huy mắt nhung” và “Quảng đen” gọi pháo cho bắn ngay những điểm tập trung cận phòng đã chuẩn bị yếu tố từ trước. Bây giờ là những tiếng nổ long trời lở đất từ các căn cứ pháo của ta dồn dập gởi tới trên đầu” đàn vịt”, “đàn vịt” chạy tán loạn. Phòng tuyến phía Tây do Trung uý Thành đại đội trưởng chỉ huy cho một trung đội nhảy ra khỏi phòng tuyến hô xung phong vang một góc trời đuổi theo bọn” vịt què”, bắt được 4 tên hàng binh. Phòng tuyến phía Đông lại chợt vang dội tiếng súng , bọn” vịt” lại tràn lên từ sườn bên kia. Huy ôm PRC25 nhảy ra khỏi hầm chiến đấu, đứng núp mình dưới một thân cây, quan sát và điều chỉnh, kéo những tràng pháo nổ gần lại và chính xác trên “đám vịt” đang lúp xúp bò lên từ mạn sườn phía đông. Những trái nổ lẫn lộn của địch của ta làm tung đất cát phủ đầy trên mình Huy. Huy xin bắn trái sáng. Những trái sáng soi rõ những thây người nằm ngổn ngang. Phía Tây địch lại bắt đầu một đợt xung phong mới .

Phượng Hoàng xin máy bay lên vùng. Chiếc C130 thả trái sáng và bắn yểm trợ ngoài xa. Tiếng trực thăng võ trang phành phạch trong đêm. Huy bắn một qủa khói chỉ điểm theo yêu cầu của TTHQ , hai chiếc A 37 thay nhau lao xuống, nhả những quả bom nặng nề, đám lửa bùng lên và khói bốc cao giữa đêm khuya.

- Cẩn thận…Ông thày. ..Tiếng một thằng em hét lên.

Huy quay lại vừa chợt nhìn thấy thằng em bắn hạ một “con vịt” phía sau lưng anh nhanh như trong phim. Anh vỗ vai thằng em” Cám ơn chú mày”. Rồi hai thày trò cùng nhau bò về hầm chiến đấu . Cứ như thế ngày đêm với lực lượng không cân xứng, Phượng Hoàng Ân phải chống cự với hai trung đoàn chủ lực VC, một tuần lễ liền. Phải nói là quá vất vả, khốn đốn. Lớp chết, lớp bị thương , không thể nào tản thương nổi vì trực thăng không đáp xuống được.Chỉ có những chiếc trực thăng bay cao trong đêm thả những thùng Ration C và nước xuống cho đơn vị . Có kiện rơi trong căn cứ, có kiện rơi ngoài…Nghĩa là giống như nuôi chung cả ta và địch.

BTL Quân Đoàn xin Bộ Tổng Tham Mưu cho tăng viên lực lượng Tổng trừ bị . Lữ đoàn 2 dù với các TĐ 5, 6 và 1 cùng với TĐ 2/PB dù được điều đến vùng giao tranh. Ngày 6 tháng tư Dù bắt đầu tham chiến. Dù đánh đẹp như mơ đúng với danh xưng Thiên Thần mũ đỏ mà người đời ca tụng . Những trận đánh nẩy lửa khi dù chạm trán một trung đoàn chính qui Bắc Việt chờ sẵn để đánh quân tiếp viện. Hai tiểu đoàn dù được thả xuống phía Bắc dưới chân đồi 1001. Pháo binh dù bắn nhanh như súng cá nhân, yểm trợ đắc lực quân bộ thanh toán từng mục tiêu gọn gàng. Ấy thế mà cũng phải mất 14 ngày quần thảo , Dù từ dưới đánh thốc lên , CĐ2/41 đánh từ trên đánh xuống, chiến trường trong thế cài răng lược. Cuộc chiến bây giờ mới thật sự khốc liệt. Những trận đánh xáp lá cà, đánh cận chiến, dành nhau từng tấc đất. Pháo binh lúc này dường như không còn có thể xử dụng, vì quân ta, quân địch như trộn lẫn với nhau. Chia nhau thành từng nhóm nhỏ và ba thày trò của Huy bây giờ phải chiến đấu như ba chàng chiến sĩ bộ binh. Huy trang bị cho bản thân và hai thằng em bằng những khẩu M16 của những tử sĩ, với những băng đạn đeo kín quanh mình. Ba thày trò nhịp nhàng tiến thoái ẩn núp và yểm trợ cho nhau. Huy gọi về TTHQ báo cáo xin cúp máy để rảnh tay chiến đấu.
Ngày thứ 13 của dù tham chiến, tôi được TT trưởng hành quân cử bay CNC với trung tá trung đoàn trưởng, quan sát chiến trường. Tôi gọi:

- “Loan mắt nhung”, Hướng Dương gọi.

Tiếng Huy nói rất nhỏ:” Loan mắt nhung” nghe.

- Bây giờ thế nào? Ba thày trò thế nào rồi.

- Một thằng nhỏ bỏ về quê rồi…

Tôi lặng người khi nghe giọng nghẹn ngào cuả Huy. Tôi biết một thằng em đã hy sinh.

- Có cho phương tiện để nó về không ?
- Phương tiện?...Huy sẵng giọng…”Tao hỏi mày mới đúng…”
- OK...ok…

Huy nói.” Xong cuộc điện đàm này tao xin im lặng vô tuyến”.

Huy và thằng em còn lại đã trút bỏ hết những vật dụng lỉnh kỉnh, chỉ còn tay súng cùng với thằng Hải, đã vừa nằm xuống. Hai thày trò bằng mọi giá phải đưa được xác của Hải về đơn vị. Vừa chiến đấu vừa khiêng xác Hải bước qua những xác chết ngổn ngang của ta, của địch. Chiến trường tàn nhẫn, đạn cũng hết, lương thực cũng chẳng còn. Thấy địch chạy ngang qua mặt, chỉ hô” muốn sống bỏ súng xuống”. Địch bỏ súng, là đi tự nhiên, chẳng thèm bắt tù binh. Địch gặp ta , bọn chúng không còn hô “hàng sống chống chết” mà hô bỏ ba lô xuống, rồi nhanh chân ùa lại, chúng giật những balô trên người các chiến sĩ ta, chúng đói quá rồi. Chúng chỉ muốn tìm lương thực..

Cuối cùng với gọng kìm công hãm. Những trung đoàn của VC chịu không nổi đã tan rã. Lực lượng dù đã bắt tay được với CĐ2/41. Áp lực đã được giải toả. Những toán quân từ căn cứ hoả lực 6 đã về tới Tân Cảnh. Chúng tôi ra đón hai thày trò Huy. Thày trò anh chân bước xiêu vẹo . Lúc đi ba thày trò, lúc về chỉ còn hai. Chúng tôi chạy lại ôm hai thày trò anh, cùng nhau nặng trĩu nỗi buồn. Vẫn biết đời chiến binh mấy người đi trở lại, nhưng bất cứ cuộc chia ly nào cũng làm đau lòng kẻ ở.

Xác Hải được trực thăng chở về cùng với những tử sĩ khác. Huy vuốt trên mặt poncho, giọng anh buồn xa vắng .” Nó cứu tôi thoát chết trên ngọn đồi, mà tôi không làm gì được cho nó…Hải ơi anh còn nợ em. Món nợ này làm sao anh trả”. Buổi chiều Tây nguyên thật vàng. Sương mù như mưa giăng giăng. Chiến địa điêu tàn còn nguyên mùi thuốc súng. Hình ảnh những mẹ gìa, những người vợ trẻ, những đứa con thơ đầu chit khăn tang ngơ ngác đón người thân trở về bằng những chiếc” hòm gỗ cài hoa” chập chờn trong tâm tưởng, làm cho mọi người ngậm ngùi, ngao ngán.

Ngày hôm sau Trung Đoàn 41 kéo quân về lại Trà Quang, miền duyên hải sau 23 ngày quần thảo với 3 trung đoàn địch. Cuộc chiến nghiệt ngã nơi tận cùng địa ngục. Từ giã dòng sông Dakbla chảy lững lờ, phẳng lặng như cuộc đời bình dị của người dân xứ Thượng. Huy nhớ lại, cũng chỗ đầu cây cầu này, hôm nào ba thày trò còn chia nhau từng điếu thuốc, từng giọt cà phê…Cuộc đời phù du. Cũng như ngày xuất quân, những người còn lại vẫn cất cao tiếng hát khải hoàn, riêng chỉ có thày trò Huy là lặng thinh. Huy ôm cây đàn mắt nhìn xa xăm. Đôi mắt nhung như mờ đi. Chiếc đàn đã đứt một dây từ lúc nào.

4/2010
Lê Du Miên

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Ngày Tháng Cũ Nghiêng Chao



30 năm trước.

Trung tuần tháng hai. Tôi rời xa Bồng Sơn , cũng có nghĩa là tôi xa em. Tôi về lại vùng đất hứa mà cha mẹ đã dành sẵn từ những ngày Họ bơi thuyền vượt biển từ bến đò Thượng Hộ Vạn vào Hải Phòng, rồi lên tàu há mồm buông đời mình trên đường đi, mắt nhắm để tưởng tượng về một chỗ mới xa xăm. Tháng hai đó tôi bỏ lại sau lưng chiến trường An Khê vừa chợt khai mào thuốc súng , tôi bỏ lại bạn bè kẻ ở Trà Quang, đứa ở Thiết Đính, đứa nằm Cù Mông, đứa ngủ giữa đỉnh Mang Giang gío hú. Tôi bỏ em thui thủi bóng mờ bên đầu cầu. Con sông Lại Giang vẫn chảy xuôi nỗi chia ly từ thượng nguồn An Lão. Một lần đi cho mãi mãi. Không còn nhìn thấy nhau trong đời.

Những ngày tháng ba. Long Bình nắng cháy. Nằm nghe những sục sôi của ngọn núi lửa vùng cao Buôn Mê mà trĩu nặng những ưu phiền. Ngóng tin em bình an nơi chốn cũ. Nhớ nhung...

Tháng Tư. Theo đơn vị lên ngự ở ốc đảo Trâm Vàng. Gò Dầu mùa này vẫn còn xuân. Tây Ninh vẫn bừng lên mùi hương trầm đạo hạnh. Ở Trâm Vàng ăn đại bác 130 ly và hoả tiễn. Thằng bạn mới cùng ăn thịt chó ở Hố Nai hôm qua giờ ngã lăn ra chết. Tôi vào Khiêm Hanh mở đường cho tiểu đoàn Biệt Động rút ra. Hạnh ngộ gặp Thằng Lưu, đứa bạn cùng khóa đã 7 năm ròng chưa gặp. Mừng thì ít mà lo lắng thì nhiều. Cối 82 rơi rải rác dọc theo hố giao thông hào. Hai đứa đội nón sắt uống chung một ca cà phê túi, khói thuốc capstan bốc cụm ưu phiền, hàn huyên chuyện mấy năm trước lúc còn mài kiếm dưới trăng vàng Dục Mỹ.

Cũng tháng Tư bỏ căn hầm ở Khách sạn Trâm Vàng về Long Khánh , trấn thủ Ngã ba Cua heo, nghe đời phiêu bạt , hẩm hiu giữa rừng cao su không còn chảy nhựa. Bên kia là những vườn chôm chôm ngút ngàn Bảo Bình, Bảo Định. Rong chơi cùng súng đạn dọc con lộ số 1. Gặp bè bạn 11 Dù. Bày trò chơi chiến tranh thủ thành Xuân Lộc. Bọn người "sanh Bắc tử Nam" dạt ra. Ta ngồi uống cà phê rung đùi giữa phố. Thuở thái bình thôn xóm hạn hẹp đang hồi phục sinh , bỗng từ đâu Ông Cụ gọi về. Đành bỏ vùng đất đỏ ba dan xuôi con lộ đã không đi từ bao năm trước về qua vùng Bình Giả trở lại đất Biên Thành . Ngồi chưa ấm đít , lại kéo nhau lên Trảng Bơm. Một tối kinh hoàng. Tôi đã mất tất cả những kỷ niệm của em, của bạn bè trong cái ba lô bỏ quên lại dưới giao thông hào. Trắng tay với nỗi buồn tiếc nuối.

29/4 Chạy dai sức trên xa lộ Biên Hoà. Trạm dừng chân để...tắm rửa là Ngã tư Thủ Đức. Hỗn độn dân quân. Đứng ngó theo con đường về chợ Nhỏ, nhớ Vũ đình Trường, đêm nào hương khói nặng một lời thề. Giờ chả lẽ cùng đường mạt vận. Tiếng pháo lệnh lại bắt đầu cho cuộc marathon mới. Các vận động viên bây giờ tự do không cần ghi danh trước. Chen nhau thi thố bằng đủ mọi phương tiện : chân, xe đạp, xe hơi, xe máy cầy, máy xới. Có nhiều người ngã lăn ra đường mà vẫn cố nhoài lên, rướn tiếp. Có những người đã nhắm mắt buông xuôi , không thể về điểm hẹn. Bùi ngùi, thê lương , ảm đạm. Những hạt mưa nhỏ lác đác. Ôi sao mà hoang mang đến thế.

Về tới cầu Sài Gòn , bỏ con Jeep giữa đường. Người Chị tốt bụng gọi vào nhà cho bộ quần áo như dân . Trút bỏ bộ quân nhung mà nước mắt lưng tròng. Tôi cùng Khang , Tới về Bạch Đằng, ghé nhà Hải Quân Hạm Trưởng , anh trai người tình của Tới , người nhà cho biết tàu đã ra khơi ngày 27. Buồn, thất vọng. Vào khách sạn ngủ free một tối. Ngày hôm sau xuống phố. Lang thang dưới làn đạn carbine từ những cao ốc của những ông nhân dân tự vệ.

30/4. Buổi trưa nghe tiếng :đầu hàng ". Nước mắt rơi....Súng của cánh dù vẫn còn nổ. Vài chiếc T54 vào phố chạy hối hả như điên. Người dân vào nhà đóng cửa. Đường phố chỉ còn xe nhà binh chạy ngược xuôi.

Tôi lang thang về Trương Minh Giảng , may mắn không ngờ gặp Cu Cử cùng đơn vị cũ. Biết tin nhau vẫn còn bình an sau cuộc đua chạy tiếp sức giữa đời.

Vài người bạn ở Ông tạ rủ tôi lấy băng đỏ đeo trên tay , chôm chiếc Jeep chạy về Biên trấn. Tôi lắc đầu. Đừng bôi lọ. Người ta đổ xô ra đường , xem khỉ về thành. Người ta đổ xô ra đường đi về hướng xa lộ tìm xác người thân. Tôi lang thang đi tìm mẹ già và em gái.

30/4. Xưa. Mất tất cả.
30/4. Những năm sau. Nhớ về tất cả từ những nơi Bù Loi, Bù xịa, Bù Đăng Bù Đốp áo rách, quần tua. Z30A in số sau lưng, bước đi xếp hàng cúi mặt. Rồi từ nước ngoài bao năm rồi tiếng quốc kêu đêm.

30 năm rồi mà hờn vẫn chưa nguôi. 30 năm rồi vẫn hướng về rừng xưa . Hổ giờ già khụm , long đong.


4/2005
ldm