Chào Mừng


Hân Hoan Chào Mừng Quí Khách.

Lê Du Miên

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Tôi Với Bồng Sơn

Tôi Với Bồng Sơn

* viết cho Sinh


Tôi tới Bồng Sơn vào mùa hè năm 72. Mùa hè mà nhà văn Phan Nhật Nam gọi là mùa hè đỏ lửa sau những ngày tháng thảnh thơi "ru hồn mình bồng bềnh" bên dòng sông Đà nước xanh biêng biếc. Bỏ lại núi Nhạn buồn vu vơ trơ trọi một mình giữa khoảng trời mênh mông. Bỏ lại Phúc và những đêm nhâm nhi cà phê Vị Thủy nghe nhạc Trịnh nát vụn hồn mình. Bỏ lại những buổi chiều đứng ngẩn ngơ bên QL1 ngắm chiều rơi êm ả trên mặt đầm Ô Loan phẳng lặng, thấp thoáng vài bóng thuyền ngư dân xa xa...

Thật ra đây không phải lần đầu tôi tới Bồng Sơn. Đầu năm 70 rời trường Pháo Binh Dục Mỹ, cầm sự vụ lệnh trong tay về trình diện Tiểu Đoàn 222 Pháo, đồn trú tại trại Nỏ Thần, ngã ba Diêu Trì, tôi đã được đưa ra Trà Quang vì Tiểu Đoàn đang hành quân tại đó. Ở đây gặp chuẩn úy Lợi. Lợi người Huế rất dễ thương và cũng rất chịu chơi. Lợi thường rủ tôi hai đứa lái xe đi Bồng Sơn...uống cà phê...

- Trà Quang thiếu gì cà phê ...Ra cà phê Lãnh được rồi, đi Bồng Sơn làm chi cho xa cha nội.

Nhưng Lợi nhất định đi Bồng Sơn để ghé cà phê "Rớt"...Cà phê Rớt nghe đâu là do ba cô nữ sinh thi rớt Tú Tài buồn tình mở quán bán chơi ...Có lẽ nhờ cái mác nữ sinh và cái tên nghe có vẻ...có hơi hớm trí thức nên quán rất đông khách dù mùi vị cà phê thì cũng lưng chừng...thơm ngon tùy người. Và thế là vào những lúc buồn tình tôi và Lợi hay xách xe chạy về Bồng Sơn, ngồi ngắm ba cô thi rớt cả tiếng đồng hồ. Bồng Sơn lúc đó tương đối còn yên bình và xầm uất.

Nhưng lần về lại Bồng Sơn này không êm ả như những lần trước. Chiến cuộc leo thang. Đạn bom cày xới khắp nơi. Ruộng vườn tan hoang, nhà cửa đổ nát. Đã điêu tàn lại càng thêm điêu tàn. Khuôn mặt người dân u uẩn, nỗi buồn hằn sâu trên từng khuôn mặt. Người ta có thể đọc được những dòng thơ của Quang Dũng trên từng ánh mắt:

" Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ.
Em có bao giờ lệ chứa chan ..."

Tôi và Thiếu úy Quảng được lệnh Tiểu Đoàn điều ra thay thế cho Trung úy Hải và Thiếu úy Ninh trong nhiệm vụ điều hành trung tâm phối hợp hỏa lực của chiến đoàn 41 hành quân giải tỏa Bồng Sơn. Bộ chỉ huy Pháo đóng ngay dưới chân cầu Bồng Sơn với 12 khẩu pháo, 6 khẩu 155 của pháo đội B/220 và 6 khẩu 105 của pháo đội A/222. Chân ướt chân ráo mới ra bàn giao nhiệm vụ, nhìn chung quanh công sự phòng thủ trống trơn tôi thật sự rùng mình. Chỗ làm việc của nhóm phối hợp hỏa lực chúng tôi ngay gầm cầu phía Nam, vị trí đặt pháo thật trống trải và mục tiêu quá rõ, quá dễ dàng cho địch xác định tọa độ pháo kích. Tôi ngán ngẩm nhìn dòng sông Lại Giang nước cạn, chảy lững lờ buồn tênh như đời tôi trôi dạt mãi từ dòng sông Đồng Nai tới tận ngoài này. Vâng quê tôi cũng có một dòng sông, dòng sông rộng lớn hơn, nước sâu hơn, chảy mạnh hơn và cũng chứa chan phù sa da vàng bồi đắp đôi bờ ...Tôi chợt nhớ Mẹ quá. Chắc chắn Mẹ lo lắng và cầu nguyện cho đứa con trai hằng đêm...trong lúc ngoài kia vang lên từng chập tiếng đại bác của pháo đội 105 bắn về hướng mật khu An Lão, yểm trợ T Đ 1/41 của Thiếu Tá Võ Ân, đâu gần căn cứ Thiết Đính ...

Đang thừ người ra với nỗi nhớ nhà và ...nhớ Tuy Hòa, nhớ cô bé Phúc những buổi tối lang thang đi ăn mì Quảng ở quán Cầu Ông Chừ...Người Hạ sĩ truyền tin lại báo " bên chiến đoàn báo mình chuẩn bị có phái đoàn cấp lớn tư Sài Gòn ra, sắp đáp xuống ghé thăm ". Trời ...từ Sài Gòn ...Tôi gọi Thiếu úy Quảng bảo chuẩn bị tài liệu thuyết trình nếu phái đoàn ghé vào cái "chòi lá" của mình. Dự phòng thế thôi chứ tôi nghĩ không ai ghé vào chỗ "cắc ké kỳ nhông" này làm gì. Khoảng 12 giờ trưa, một đoàn trực thăng ầm ì từ hướng Qui Nhơn bay tới, Hai chiếc gunships gầm gừ chao lượn, lúc thấp lúc cao, soi mói từng ngõ ngách ...Rồi từng chiếc slic đáp vội vàng xuống sân đáp của chi khu...Chúng tôi ngó về hướng bên kia cầu ...Ê tụi mày áo giáp nón sắt mang vào , sẵn sàng ...Coi chừng bọn nó rót ...bia cho mình bây giờ. Khoảng 5 phút sau một đoàn người complet áo vest, áo dài...nhìn lạ lẫm vô cùng với những người dân bình dị ngày đêm hứng chịu hai lằn đạn nhục nhằn nơi đây...Phái đoàn Quốc Hội ra thăm Bồng Sơn mới vừa được tái chiếm mấy ngày vừa qua. " Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu". Có những cánh tay ngọc ngà dơ cao chỉ trỏ trên cầu, văng vẳng những tiếng nói cười ...Phái đoàn đứng trên cầu nhìn ngược nhìn xuôi dòng sông. Dòng sông vẫn thản nhiên chảy buồn từ đầu nguồn An Lão, một quận đã mất từ lâu không thể chiếm lại. Không ai ghé lại cái quán "bình dân học vụ"của mình, chắc các ngài sợ lấm gót giày. Phái đoàn rồng rắn một vòng trong khu phố chừng một tiếng đồng hồ rồi những chiếc trực thăng lại ù ù cất cánh. Bụi hồng bay lên che mờ dẫy phố. Những chiếc trực thăng như những con chuồn chuồn "khi vui thì đậu khi buồn bay đi" vừa khuất sau những ngọn dừa thì "Ầm ầm ầm..." hàng loạt những tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Tôi hét to trong máy" Pháo đội B vào vị trí trí tác xạ, toa độ ...X23...phản pháo. Tôi nghe tiếng người Sĩ quan tác xạ "Hướng súng 1200..." rồi tịt luôn. Pháo nổ dày chi chít trên căn cứ dã chiến của chúng tôi. Hàng trăm đạn đại bác 152ly bắn từ mật khu An Lão , cát bay mù mịt. Mười hai khẩu pháo của chúng tôi hoàn toàn tê liệt, không bắn trả được phát nào. Có tiếng chửi thề sau lưng tôi:" ĐM...mấy thằng VC ...sao không bắn sớm hơn ...tụi bay chỉ dám bắn tụi tao và đám dân đen vô tội..". Tôi thò đầu ra khỏi tảng đá, TS nhất Sử đang ôm thằng Lai nằm sõng xoài dưới đất. Tôi chạy lại, một tiếng nổ chát chúa thật gần hất tung tôi lên, đất cát ngập ngụa, tren vai toi co nhung giot mau nho xuong, tôi cố lết lại bên thằng Lai. Thằng Lai nắm tay tôi :" Trung úy cứu em , trung úy...". Tôi rờ tìm vết thương trên người Lai nhưng không thấy gì . Tôi hốt hoảng không biết mình phải làm sao. Tiếng đạn pháo vẫn rít trên đầu và nổ ì ầm. Giọng thằng Lai mỗi lúc một yếu và cuối cùng nó buông xõng cánh tay khỏi bàn tay tôi. Tôi vuốt mắt cho nó :"Yên nghỉ nghe em...đời chiến binh mấy người đi trở lại.

Rồi tiếng pháo cũng êm. Nhìn chiến trường ngổn ngang. Đúng là có những người bị ...chết hai lần mà có khi là ba bốn lần nơi đây ...

Lệnh của Chiến đoàn trưởng kiểm tra lại quân số, di chuyển về hướng bắc cầu vào trong phố, quyết tâm giữ vững thành phố với bất cứ giá nào. Thày trò chúng tôi giao Lai cho hậu cần, vội vã theo đoàn quân tiến qua cầu theo BCH Chiến Đoàn dùng trường Tăng Bạt Hổ làm cứ điểm. Trường học bây giờ không còn là nơi đào tạo những người Tổ Quốc mong cho mai sau mà là nơi thử nghiệm hiệu quả của súng đạn Mỹ, Nga, Tàu...Mặt tiền của trường là QL1, bên này đường là ta bên kia đường là địch. Phía sau trường là đường rày xe lửa, bên này ụ đất đường rày là M16, bên kia ụ là AK47. Chúng tôi nằm đây ba đêm, bốn ngày thật hãi hùng. Cứ những tưởng "sinh Nam, tử Trung", gởi thây nơi xứ Bồng bên bờ sông Lại thơ mộng ...Từng cành cây trong sân trường bị mảnh đạn cắt gẫy, từng mảng tường của ngôi trường bị sụp đổ. Chúng tôi như đang nằm trong ruột trái dừa, đạn thù như những lưỡi dao, đẽo gọt dần ...không biết chừng nào lưỡi dao sẽ chém vào tới ruột ...Hai ông cố vấn Mỹ nằm chổng mông khóc hu hu...Tôi nhìn và cười không nổi . Cũng cảm thông thôi. Khi không mãi từ một nơi thật xa xôi mang thân tới cái xứ này vui đùa cùng tử thần ...

Buổi tối hôm đó Trung Tá Thiều truyền lệnh của BTL sư đoàn: mở đường máu rút ...Trời ...Rút đường nào đây trời. Tôi thầm nghĩ ...Chạy lông nhông trên lộ làm bia cho chúng bắn hay sao... May mắn nhờ hồn thiêng xứ dừa , đêm đó im tiếng súng. VC rút khỏi trận địa và chúng tôi đã không phải mở đường máu, di tản chiến thuật ...Chiến đoàn bung các tiểu đoàn ra xa lục soát, ổn định tình hình. Tôi mỉm cười chia tay với tử thần. Hẹn mi một dịp khác .

Những tháng ngày sau đó bước trên những đống gạch vụn, nhìn những vành khăn trắng mà nhớ nhà. Ngồi lề đường ăn những dĩa bánh xèo, uống những ngụm cà phê pha bằng nước mắt, thấy thương Bồng Sơn quá ...

Chiến trường nơi này tạm yên. Chúng tôi lại được đưa lên vùng cao nguyên Hàm Rồng, Pleiku, Kontum ...Những trận đánh ác liệt. Những đêm vũ trường Mimosa, CLB Phượng Hoàng. Vẫn song hành cá độ với anh chàng mắt hốc áo choàng thâm...Nghe tin Phúc lấy chồng, tự dưng tôi yêu bài hát :" năm năm rồi không găp, từ khi em lấy chồng. Anh dặm trường mê mỏi. Đời chia những nhánh sông...".Tôi thở dài...đời chia những nhánh sông...

*

Năm 1973, một lần nữa tôi lại kéo 2 khẩu 105 về chốn cũ. Tái ngộ nơi xưa. Nơi xưa phố vẫn vắng. Cà phê Rớt không còn. Những tà áo dài trắng thướt tha cùng chiếc cặp ép hờ trên ngực cũng chỉ lờ mờ trong trí nhớ. Tôi đặt súng ở vị trí cạnh Chi Khu. Một khoảng đất hẹp so với vị trí pháo những nơi khác, một vị trí mà tôi không ưng ý một tí nào...Sau khi phối trí ụ súng và đài TX, tôi đi một vòng coi lại vòng đai phòng thủ. Nhà dân ở rất gần căn cứ. Tôi bước vào một ngôi nhà để làm quen. Ngôi nhà có một dàn máy làm kem. Một cô gái bước tới chào tôi. Tôi chào cô và tự giới thiệu. Cô nói cô tên Hồng và là con chủ nhà rồi hỏi tôi có chuyện chi không? Tôi nói không. Mới tới ghé thăm...Hồng cười và tiếp tục làm công việc của mình. Từ hôm đó tôi hay ghé qua nhà, truyện trò cùng anh Phượng anh trai của Hồng. Hồng học Nữ trung học Qui Nhơn. Hồng có một mái tóc thật dễ thương, giống Sylvie Vartan.

Đợt về Bồng Sơn lần này có phần bình yên hơn mặc dầu thày trò chúng tôi phải di chuyển súng mỗi ngày để tránh pháo địch. Để tránh phiền phức cho thằng em phục vụ, tôi ăn cơm tháng ở một quán bên kia đường đối diện căn cứ. Đúng là quán lính. Khách hầu hết là lính. Lính Chi Khu, lính ĐPQ, lính BĐQ, thỉnh thoảng có cả lính Không quân...Tôi làm quen được 3 cô gái ở quán này, (khách ăn cơm tháng ngày ba bốn cữ ghé quán mà lị)...Hà, Lan là con gái ông bà chủ, Quyên là cô cháu ...Ba cô, cô nào cũng xinh cũng đẹp.

"Ba cô đội gạo lên chùa.
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư"

Ước gì tôi được làm sư nhỉ ! Ước vu vơ vậy thôi chứ làm sao mình thành sư được, nếu có thì cũng chỉ là một chú tiểu nho nhỏ đứng cạnh những đại sư phương trượng. Tôi nhủ lòng mình thôi quên đi giấc mộng ngậm ngải tìm trầm. Tôi hàng ngày lầm lũi với việc sáng kéo súng đi, tối kéo về, mặc những ngày mưa, những ngày nắng. Có một ngày đẹp trời, Ninh từ Trà Quang ra ghé thăm tôi. Ê ! Sao tự nhiên tốt quá vậy cha ? Ghé thăm tui ? Khó tin đó nha ...Ninh cười mủm mỉm ra chiều bí mật rủ tôi đi thăm một người. Này ...thăm Loan đúng không? Tôi nghe phong phanh người yêu của Ninh dạy học đâu ở ngoài này. Ninh dẫn tôi tới một quán billard. Chơi bi da hả, tôi hỏi Ninh. Ừ ...chơi bi da. Bước vào quán tôi lựa cây cơ ...Một cô gái từ phòng trong bước ra chào Ninh mừng rỡ. Hai người dẫn nhau lại bàn ngồi nói chuyện, còn tôi chơi bi da một mình...Thế là tôi lại biết them được ở thị trấn nhỏ bé này xuất hiện bốn cô giáo sắc nước hương trời từ thành phố mới đổi về., tô đẹp cho thị trấn nhỏ xíu vốn hiếm thấy những tà áo dài thướt tha. Ninh về lại Trà Quang gọi điện cho tôi :"Này ông bạn ...bên kia đường là ánh mặt trời đó". Bên kia đường nào cha ?" Thì bên kia đường chỗ mày ở đó ...". Tôi cười to thành tiếng ...À ! Một tà áo tím đúng không? " 5/5 ...". Tà áo tím mảnh mai với đôi mắt đẹp hình như lúc nào cũng reo vui này đã có lần tôi bám theo sau. Đã có vài lần tôi được ngồi gần và tìm thấy sự yên bình cho nỗi nhớ xa xăm trong đôi mắt ấy, dù chưa một lần trò chuyện, dù chưa một lần làm quen. Có sao đâu...im lặng đâu có nghĩa là không nói.

Một buổi tối Hồng tới tìm tôi:" Chủ nhật tới đám cưới của Lan, anh có dự không ?". Tôi nói có. " Nếu thế thì đi chung với em nha". Tôi nói ừ... Trong đám cưới chơi trò rút thăm, ai rút trúng thăm nào thì làm đúng theo lời yêu cầu ghi trong thăm đó. Người MC gọi tới tên tôi. Tôi đứng lên đưa tay bốc một lá thăm, mở ra đọc : bạn hãy trao bó hoa này cho người mà bạn yêu thích. Cầm bó hoa trong tay tôi bối rối. Tôi yêu thích tất cả mọi người...làm sao đây. Tôi dáo dác nhìn quanh, có vài người né trốn ...Tôi lúng túng quay lại phía sau, Quyên đang đứng phía sau tủm tỉm cười . Tôi bước tới đặt bó hoa vào tay Quyên, Quyên thụt lùi...một giây lưỡng lự . Tôi nói :Quyên ơi cầm dùm đi mà ...Chắc thương tôi lúc đó ngơ ngẩn như thằng ngố nên Quyên ôm bó hoa. Tôi mừng quá:"Cám ơn Quyên". Quyên cầm bó hoa bỏ chạy lại sau nhà và cho tới lúc tiệc cưới tan tôi liếc tìm cũng chẳng thấy Quyên đâu. Đến giờ này tôi vẫn không biết Quyên xử lý bó hoa ấy như thế nào. Có lẽ cô bé đã ném xuống dòng sông Lại Giang...Từ đó tôi và Quyên dường như thân nhau hơn ...Nhưng khi về lại chỗ ngồi tôi đã thấy có một đôi mắt buồn nhìn tôi như trách móc. Tôi né tránh cái nhìn ấy và nói nhỏ chỉ đủ mình nghe:" Xin lỗi Sylvie Vartan, một ngàn lần anh xin lỗi ..."

Chuyện đám cưới rồi cũng qua đi, tưởng như không còn ai nhớ tới cho đến một hôm Phượng ghé tìm tôi. Qua vài lời xã giao thông thường Phượng mạt xát tôi tới tấp" ..." tôi chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Phượng vẫn lớn tiếng ...thì Hồng chạy tới, đôi mắt long lanh ướt kéo tay Phượng: Thôi về anh. Phượng về, tôi thẫn thờ đánh rơi mất hai người bạn ...Nỗi buồn ấy như một dấu đinh càng ngày càng cắm sâu trong lòng tôi.

Những ngày tháng này đơn vị tôi thường xuyên ăn pháo kích. Thiếu Tá Liên Trung tâm trưởng trung tâm phối hợp hoả lực thường ra lệnh cho tôi phải đích thân đi đo hố đạn vừa nổ để xác định hướng và tầm xa của những khẩu pháo địch. Tôi một mình chui vào lưới đạn thù đang dồn dập nổ, vừa lủi vừa núp để hoàn thành nhiệm vụ. Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy thiệt lắm gian nan …

Đêm Bồng Sơn buồn hiu hắt, những ngọn đèn dầu leo lét. Ngồi trên lô cốt đài tác xạ phì phà điếu thuốc. Ngó qua phía bên kia đường, cánh cửa sổ trên lầu hé mở, hình dung Quyên tựa cửa, đôi mắt xa xăm…Tôi buồn nhũn ruột.

Mỗi lần vào quán nhìn thấy Quyên tôi lại tủm tỉm cười còn Quyên thì ngượng ngùng ra mặt. Chuyện chơi vui trong đám cưới thôi mà, để ý làm chi. Ngồi đây ghi lại những dòng này, tôi nhớ Quyên lắm. "Quyên ơi, có còn nhớ những chiều mình về thăm Ngoại. Trên con đường quê mòn ngoằn nghoèo dẫn về thôn Trung Lương, ghé vào thăm ngôi nhà của Ba Mẹ. Ngôi nhà bỏ không mà ngậm ngùi. Ngôi nhà ấy dường như là một nguyên nhân sâu đậm làm chúng mình xa hơn, mất hút nhau trong đời. Và đó chắc cũng là căn nguyên mà Quyên đã phát thệ…có lần cô bé khóc và nói:’ Quyên khổ lắm, Quyên đã có lời thề”…Tôi chẳng biết cô bé đã thề gì, nhưng tôi biết đó là một trở ngại lớn trong mối tình của chúng tôi. Quyên luôn gọi tôi bằng chú và nhất định không thay đổi cách xưng hô. Tôi còn nhớ đôi lần cùng Quyên ghé thăm Dì Tư, thăm Qui, dì Tư cũng nói những điều làm tôi khi ra về lòng thêm trĩu nặng ...

Tháng 2/75 tôi được thuyên chuyển về nguyên quán. Tôi âm thầm lên đường không từ giã ai ngoài Quyên. Buổi sáng hôm ấy tôi rời đơn vị, rời xa những người lính thân thương của tôi, những người cùng tôi sống chết bao năm. Rời xa Bồng Sơn thân yêu mà tôi cứ ngỡ như là quê hương thứ hai của mình vi có nhung giot máu cua tôi đã thấm xuống mảnh đất này. Rời xa những người bạn dù chỉ là quen biết sơ giao nhưng tôi cứ thấy như là ruột thịt. Tôi không muốn xa Bồng Sơn, không muốn xa Quyên, xa những người Bồng Sơn.

Tôi bước lên xe , hành trang chỉ vỏn vẹn một chiếc ba lô. Tôi thấy Quyên thẫn thờ đứng tựa gốc cây trứng cá. Tôi biết rằng lần ra đi này không mong có ngày trở lại. Chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt. Biết ra sao ngày mai. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi không dám nhìn Quyên, không dám đưa tay lên vẫy. Tôi sợ rằng tôi sẽ khóc ...Chiếc xe ra tới giữa cầu tôi quay đầu lại, bóng Quyên mờ ảo, xiêu đổ bên đường.

Portland, OR
Ngày 12/8/2011

Lê Du Miên

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
Bình An dưới thế cho người lòng ngay

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

nắng

nắng

(gởi Người)

ở nơi tôi nắng hiếm, quí như vàng.

vàng mỗi ngày một lên giá. nắng nơi tôi đắt lắm từ khi xa người. vùng đất ảo tràn ngập một màu tối. xám xịt mưa giăng. tâm tôi tím thẫm màu thất tình. hoang vắng. sa mạc mùa thu không một chiếc lá vàng và cũng chẳng có những đám mây bàng bạc làm dáng cho ngôn từ. thế nên thơ tôi tịt, văn tôi ngọng. ba bốn năm qua ý tứ như trốn chạy khỏi cái đầu. tâm thần. tim thì dường như không luân chuyển . những giọt máu ung thư cô đọng bám trụ vách đường truyền làm tất cả ngừng lại. tên cảnh sát giao thông bất lực đứng chết trân ở những ngã năm , ngã sáu của cơ bắp đã mỗi ngày một xẹp xuống như những hình nộm trên cánh ruộng khô cằn. chỉ mỗi con bò gầy đang nằm lim dim nhơi lại những lời thơ cũ. cũ như câu chuyện cổ tích.

thỉnh thoảng tôi vẫn cố nhoài lên, chui qua những tảng mây cứng trên đầu, lọt vào vùng địa đàng năm xưa tìm đọc thơ người. thơ người một thời đã nuôi nắng nơi tôi. một thời nắng đã lớn nhanh, lan toả. thơ người bây giờ nuôi lớn nỗi buồn tôi. niệm khúc mênh mông. một vài lời nói đơn giản chẳng thể giản đơn được cõi lòng mình, nhưng một vài âm thanh nghe được nơi người đã thôi thúc chút lửa muộn trong bóng đêm tôi. cám ơn người.

có phải không một màu nhiệm. ngoài kia nắng đã bừng lên. lời kinh cầu hằng đêm tôi vẫn nhắc tên người, dù tôi là một tín đồ khô khan hai ba năm nay chưa hề xưng tội.

nắng nơi tôi quí hơn vàng ròng...

ldm
10/11

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

muối mặt

gã đứng bất động như một pho tượng
nhìn người đàn bà ăn muối
có da mặt nhăn nheo màu chuối héo
chiều biển động gầm gừ như bày khủng long
chợt thức giấc sau nghìn năm ngủ nướng
người đàn bà nhăn mặt
cố nuốt cục đắng nghét xuống tận cùng ruột gìa
dù biết nó sẽ nằm im ở đó như những cục ung bứu
chờ mưa xuống tàn phai đời mình

người đàn bà cúi mặt trên ruộng muối
nước mắt hoà tan vị mặn
cùng hương vị hăng hăng mùi máu
chợ biển chiều nay vắng
con buôn vài đứa đôi mắt hau háu chê bai
nhận chìm những đống muối xuống đường cùng
biển vẫn bình thản đẩy những đợt sóng xô bờ
và luân vũ ngàn năm mở hội
người đàn bà nâng hai tay ngang mặt cầu cứu thuỷ thần
vị thần gìa nua bất lực chống gậy quay lưng
lắc đầu
không hiểu nổi những tiến bộ mang danh ngang tầm thời đại
hôm nay

gã bước đi như một robot
giữa bóng đêm nhờ nhờ
người đàn bà ăn muối từ từ tan như gặp chất cường toan
vị thuỷ thần và trăm ngàn con khủng long đứng lặng yên cúi đầu
ở nơi kia người ta vẫn nhảy múa liên hoan
bởi một người đàn bà chết đói
chẳng liên quan đến những ngày trẩy hội


lê du miên

đêm và người đàn bà goá

anh đi làm goá bụa thân em
ngày nắng rang khô một búp sen
đêm về rụng vài hạt sương trắng
làm ướt nụ hoa chõi đầu ngành

anh đi lộn kiếp thành cơn gió
thổi xuống lưng em chiếc lá vàng
chiếc lá bám ngay vùng xương cụt
làm ngứa, khu em, gãi nhục nhằn

anh về, kiếp lộn , thành ma xó
núp ở môi em khúc khích cười
nụ cười đục nước, bùn ai khuấy
nát cả tương chao, nát sự đời

em niệm nam mô xin cứu khổ
mong anh rong chơi cõi niết bàn
đừng làm ma xó hay cơn gió
cù nhột da em chỗ trũng lầy

hãy để em thành đàn bà đói
đêm nghe mèo rú gọi bạn đời
thạch thùng tắc lưỡi cong đuôi đợi
em cong người, em gọi anh ơi

lê du miên

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

duyên


ta trên con dốc thở dồn
em dưới khe suối bồn chồn ngóng lên
một mâm hoa quả nhang đèn
ta cúng ta vái cho duyên quyện vào

duyên nhìn nghiêng thấy xanh xao
thấy hai dải yếm khoe đào tròn căng
ta nhìn lấp lánh bóng trăng
trốn trong váy ống phòng không gío lùa

duyên thầm giống ánh sao tua
đôi chân dài đủ chết vua khuynh thành
ta nằm háo hức năm canh
chờ duyên chín rụng đêm tàn bóng khuya

Lê Du Miên

trừu tượng

trừu tượng

tôi không thể đọc được
một bài thơ treo ngược
đầu găm chùi dưới đất
chân nhúng nhảy trên không

tôi không thể đọc được
một bức tranh trìu tượng
cây chồi mọc trên đầu
tua tủa ra nhiều rễ

tôi không thể hạnh ngộ
những mô hình lập thể
chằng chịt những bóng đêm
những màu ngang sắc dọc

đầu vơi nhiều sợi tóc
tôi khổ vì yêu em
tình cứ treo lủng lẳng
tôi chụp hụt quanh năm

lê du miên

chiếc tủ áo cũ

chiếc tủ áo cũ

chiếc tủ áo vẫn đứng im
như trời trồng
ngày em đi chiếc tủ bỏ không
tôi nghe em
nhốt nỗi buồn mình trong đó
những con mọt gỗ
kêu cót két quanh đêm
nhai hơi hướm em
thành nhiều mảnh vụn

lâu rồi tôi không quét
những con dán xuất hiện như những tên biệt kích
chui qua khe gỗ hở
chạy vòng quanh như những vận động viên
công đồn tôi như những toán đặc công
mặt bôi đầy vết nhọ

chiếc tủ làm bằng tạp gỗ
không chịu nổi nỗi buồn tôi
mỗi ngày một phình ra
biến dạng dị kỳ
tấm gương phía trước bị co giật
kéo hình em méo mó thảm thương
cái trần nhà đè trên đầu em quá nặng
đứt dăm sợi tóc
rớt xuống những con đường
mang nhiều dấu bom dịch hạch

lê du miên


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Một Sớm Thu

Tôi thường hay check mail vào mỗi buổi sáng bên cạnh ly cà phê tự tay mình pha bốc khói. Tôi vẫn có thói quen thèm hơi hướm, một chút vị đắng của cà phê Việt Nam, dù cà phê Starbucks ở bên này cũng không tệ. Thói quen vậy mà, như người ta thèm hơi hám của nhau “lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi” hay nói theo kiểu bình dân học vụ là ghiền …
Mở hộp thư ra sáng nay vỏn vẹn chỉ có một lá với tựa đề “Em Hát”. Tôi đọc lướt qua cái mail của nàng :” Nghe em vừa đàn vừa hát nè, em hát cho cơn xúc động …chìm xuống…”. Tôi mỉm cười tự nghĩ “ gớm xúc động gì mà ghê thế …” Nàng gởi cho tôi hai bài hát . Tôi lê con chuột bấm vào cụm chữ “Chiếc Lá Cuối Cùng”, bài hát thứ nhất. Tiếng đàn guitar dạo rồi lời ca vang lên :

“đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang…”

Bài ca này tôi đã nghe nhiều lần trong đời, nhưng nói không phải khen chứ bữa nay sao bài hát hay quá tôi kéo cao cổ áo như vừa thấy một chút lạnh của gió thu ùa về. Tôi đưa tay nâng ly cà phê lên nhấp từng ngụm nhỏ, hương thơm ấm áp trôi từ từ trong cổ, tiếng đàn, giọng hát như quyện vào những giọt cà phê. Ly cà phê buổi sáng nay có lẽ là ly cà phê ngon nhất trong đời tôi. Nàng xúc động là phải , trời đã chuyển mùa , vào thu rồi. Mùa thu với từng chiếc lá vàng rơi ….”Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”. Chắc là Thanh Tịnh lại làm cho nàng khóc rồi. Nàng của tôi vốn là một cô giáo mảnh mai, yếu đuối, yêu nghề yêu trẻ. Sau này khi liên lạc được với nhau, nàng viết cho tôi :” lúc mới ra trường bị chuyển về một vùng quê hẻo lánh đầy rẫy bom đạn và hiểm nguy, sinh tử chẳng kém gì người lính chiến. Một lần trên đường đến lớp, em đã bị một quả đạn pháo nổ hất tung lên …may mà không hề hấn gì “ .Tôi viết thơ cho nàng và nói với nàng rằng “đừng lo em ơi …bom đạn nó sẽ tránh mình mà …Nếu không phải là yêu nghề , yêu các em bé thơ thiếu thốn, nghèo nàn nơi vùng đất bất an thì nàng đã bỏ nghề về lại thành phố lâu rồi …Nhìn trời với màu mây xám của thu, nghĩ tới mùa khai trường, nghĩ tới các em học sinh thân yêu những ngày còn đi dạy …nàng bùi ngùi luyến nhớ rồi buồn, rồi suy nghĩ vẩn vơ là phải thôi.

Tôi quen nàng qua sự giới thiệu của một người bạn đồng nghiệp, không những là giới thiệu mà còn là …”giới thiệu hàm thụ” nữa mới ly kỳ chứ . Số là trong Sài Gòn lúc đó cùng chung sở với tôi có một người bạn, anh tên Hồ Trọng Thuyên, là một người Huế, say sưa văn chương nghệ thuật. Anh hát rất hay, làm thơ tình hết xẩy. Những năm 68 nghe anh hát “Mưa Hồng” tôi mê tít thò lò, dù cũng đã đôi ba lần được nghe Khánh Ly hát nhưng thú thật Thuyên hát bài Mưa Hồng còn hay hơn Khánh Ly một bậc. Vì say giọng hát và những bài thơ Thuyên viết, tôi làm quen với anh. Một dịp tình cờ anh giới thiệu nàng cho tôi. Nàng cũng là một cây thơ văn, thi phú, từ Huế vào theo học Sư Phạm Quy Nhơn, tôi nhớ hình như khoá 7 thì phải, từ đó những cánh thư bay qua bay lại. Nàng kể cho tôi nghe chuyện học hành, chuyện văn chương… và đôi khi nàng kể cả những …”thâm cung nội trú bí sử” có lẽ tại bí đề tài và cũng hết chuyện để nói, Tôi cũng vậy vì chỉ quen nhau hàm thụ nên ý tưởng nó cứ cạn dần, nặn óc ra cũng chẳng biết phải viết gì cho nàng nữa đây. Người ta, “dìu nhau đi trên phố vắng, dắt dìu về tới thiên đàng” cơ, thì chắc mới có nhiều chuyện để nói và nói hoài cũng không hết. Còn tôi với nàng ôi nghèo xơ nghèo xác những dữ kiện của chuyện tình …chưa hề biết mặt nhau nói chi đến chuyện dìu nhau. Rồi việc phải đến cũng đến. Những lá thơ bay đi đã mỏi cánh rớt lịch bịch đâu ở dọc đường …”sao không thấy hồi âm”..không phải tại ông đưa thơ, “không phải tại anh mà cũng không phải tại em” mà chỉ tại …miết rồi chán không buồn viết nữa .
Vào giữa năm 70,Công sở tôi cần một người về công tác ở Qui Nhơn, tôi chợt nghĩ tới nàng, tôi giơ tay xung phong ngay. Bạn đồng nghiệp ai cũng thắc mắc :” Quái lạ …thằng Du này khùng rồi, đang ở thiên đàng lại muốn sa địa ngục , vì lúc đó chiến trường Bình Định sôi sục. Đài, báo đưa tin những trận đánh ác liệt đang diễn ra, nào là trận Đèo Nhông, Phù Cũ, An Lão , Bồng Sơn ,Tam Quan…Sa Huỳnh …Thiên hạ đâu có biết vì Nàng nhảy vào vạc dầu sôi tôi cũng nhảy mà . Tôi bay ra Qui Nhơn vào một ngày nắng cháy với tâm trạng nôn nao háo hức. Chiếc máy bay hạ thấp cao độ, thành phố hiện ra bên cạnh bờ biển trông tuyệt đẹp. Chiếc máy bay lượn xát trên những mái nhà và đáp xuống. Tôi vui mừng xách hành lý bước ra khỏi phi trường, bây giờ tôi mới cảm nhận một chút lo âu khi thấy cổng phi trường lính ta, lính Mỹ, lính Đại Hàn gác nghiêm ngặt. Họ khám xét hành lý của khách và dĩ nhiên là của cả tôi kỹ lưỡng. Họ tịch thu của tôi một cây thuốc Pall Mall tôi mới hút có một gói …Tôi ức lắm, dơ hai tay lên trời, buột miệng…“what the hell”…
Đúng là một điềm xui xẻo. Mới tới nơi hứa hẹn, những tưởng đã xờ vào cánh cửa của toà “lâu đài tình ái” để mở ra những buổi tối hẹn hò cùng nàng dung dăng dung dẻ, thế nhưng …chưa chi đã mất toi một tube thuốc rồi .
Uể oải vì tiếc cây thuốc - một ngày lương của tôi đấy – tôi ngoắc anh xe ôm nhờ anh đưa về nhà người bạn ở đường Hàn Thuyên. Anh ta chở tôi lòng vòng qua những dãy phố, hàng hoá được bày bán trên vỉa hè, đa số khách hàng là những ông Tây mũi lõ và những ông mắt một mí lụng thụng trong những bộ đồ lính trận rằn ri đủ màu …Tôi thấy phố xá cũng tấp nập vui vui.
Một đêm ngủ vùi sau chuyến bay xa, tôi thức dậy hít thở không khí trong lành của thành phố biển. Người ngợm thoải mái nhẹ tênh. Tôi mỉm cười một mình , thành phố dễ thương và …những ngày tháng ở nơi này rồi cũng sẽ dễ thương như phố…khi có nàng, nàng Giáo Sinh Sư Phạm …Tôi bồn chồn, nôn nao được gặp nàng. Tôi phác hoạ ra một buổi chiều cùng nàng dạo phố, dự tính những câu chuyện để nói với nàng, tập bày tỏ….những cung cách “ga lăng” tôi đã thu thập được trên sách vở báo chí. Nói chung là như soạn thật kỹ một giáo án trước khi lên bục giảng. Nhất định nàng sẽ vui, cảm động , vừa lòng về tôi . Tôi nói với Bình bạn tôi :
- Tao cần mua một bó hoa
- Loại nào?
- Hoa Hồng
Bình chở tôi trên chiếc xe Dame cũ, tiếng máy xe nổ lạch bạch át cả tiếng trống đang thình thịch đập trong lồng ngực tôi.
- Tới rồi
Xuống xe, nhìn ngôi trường khang trang sừng sững trông ra biển, tôi thấy khớp, tôi vuốt qua lại áo quần, nâng bó hoa lên hôn nhẹ, hít thật mạnh, gió biển buổi sáng mơn man làm tôi tự tin hơn. Tôi bước tới cổng trường. Bác gác cổng chặn tôi lại:
- Có chuyện chi không cậu?
- Thưa bác tôi muốn vào văn phòng
Bác gác cổng mở hé cánh cửa nhỏ , tôi bước vào bằng những bước từ tốn trên đôi chân rung rung. Quái …sao lại “run như run thần tử thấy long nhan” thế này …Bước vào văn phòng tôi chào người mà tôi nhìn thấy trước tiên:
- Chào Thày ..
Ông ấy nhìn tôi như chờ đợi. Tôi nói ngay với giọng thì thầm, sợ mấy người chung quanh nghe được.
- Thày làm ơn giúp tôi …Cho tôi gặp cô…
- Khoá mấy, lớp nào ?
- Khoá 7, lớp nào tôi không nhớ …
- Khóa 7 ra trường rồi …
Ông ta nhịp nhịp cây viết trên bàn nhìn tôi như nhìn Từ Hải chết đứng . Tôi lững thững bước ra mà nghe buồn vời vợi.

Chúng tôi cứ mất hút nhau cho tới năm 2009, một người bạn cựu Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn gởi tặng tôi quyển Đặc San SP phát hành trong kỳ họp mặt truyền thống hàng năm tại Nam Cali. Mở trang danh sách các khoá, tôi dò tìm ra địa chỉ và số phone của nàng. Tôi gọi cho nàng, ngỡ ngàng phút giây nàng nhận ra tôi. Chúng tôi liên lạc email với nhau thường xuyên nhưng cả hai cùng quyết định hãy cứ “quen nhau hàm thụ” nên chúng tôi vẫn chưa bao giờ gặp mặt

Tôi thở dài, đưa chuột bấm vào bài hát thứ hai “Tưởng Rằng Đã Quên”…Tiếng đàn và giọng ca của nàng lại réo rắt vang lên :

”Tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên…nhưng tim yếu mềm…”
“Tưởng rằng đã quên, tay em vẫn còn. Dựng đời bão lên làm từng vết thương hồn nhiên…”.

Vết thương hồn nhiên đã kéo da non từ lâu nhưng đôi khi trái gió trở trời nó lại tấy lên đau nhức. .. Hình ảnh của nàng hiện ra trong trí tưởng của tôi, cô giáo xinh đẹp duyên dáng đang đứng trước bảng đen vì tương lai của thế hệ mai sau. Tôi đứng lên bước về phía cửa sổ nhìn xuống thành phố. Dòng sông Willamette lững lờ uốn lượn giữa phố, phía trên là những dòng xe cộ chen chúc nhau như kiến. Dòng sông chuyên chở những ngày tháng thầm lặng của tôi qua đi nơi xứ lạ. Những chậu cúc trong vườn nhà đã nở hoa. Thu đã về rồi. Mùa khai trường một lần nữa lại đến . Em có nhớ bục giảng và bụi phấn không em.

Đưa mắt về phía chân trời xa, tôi hát nho nhỏ “đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…”.. Tôi bỏ dở ly cà phê, ly cà phê nằm bất động trên bàn, buồn thiu…

Lê Du Miên